Cà phê có nhiều chất, có tác dụng khác nhau đối với cơ thể, trong đó caffein và polyphenol. Polyphenol có đặc tính chống oxy hóa giúp phòng ngừa nhiều bệnh như tiểu đường type 2, bệnh tim, ung thư… Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn người bình thường nên dùng nhiều thực phẩm, đồ uống có chứa chất chống oxy hóa có thể phòng ngừa bệnh tim. Cà phê cũng chứa các khoáng chất magiê và crom. Người có đủ lượng magie có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn.
Cà phê nguyên chất (cà phê đen) không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy, caffein trong cà phê đen có thể làm giảm độ nhạy của hormone insulin, không tốt cho người bệnh tiểu đường. Các hợp chất trong cà phê như magie, crom, polyphenol có thể đóng vai trò trong việc cải thiện insulin, có thể bù đắp tác dụng của caffein. Vì điều này, một số nhà nghiên cứu gợi ý người bệnh tiểu đường nên uống cà phê đã khử caffein để nhận được lợi ích từ các chất chống oxy hóa, các khoáng chất có trong đồ uống này mà không ảnh hưởng đến độ nhạy insulin. Cà phê đã khử caffein cũng là lựa chọn an toàn nhất cho người bệnh tiểu đường khi muốn uống cà phê.
Người bệnh tiểu đường có thể cắt giảm lượng cà phê đen nếu bị tăng đường huyết do
thức uống
này gây ra. Người tiểu đường uống khoảng 250 mg caffein tương đương với 2-2,5 tách cà phê đen mỗi ngày có thể gây rối loạn đường huyết. Đường, kem, các chất tạo ngọt trong các loại cà phê khác có thể làm tăng đường huyết. Người tiểu đường cần giảm tác động của cà phê đối với lượng đường trong máu nên cắt giảm lượng tiêu thụ hàng ngày.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), uống 4-5 tách cà phê mỗi ngày không ảnh hưởng tiêu cực đến người khỏe mạnh. Tuy nhiên, liều lượng uống cà phê ở người bệnh tiểu đường vẫn chưa thống nhất nên người bệnh có thể hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn phù hợp.
Với người khỏe mạnh, uống cà phê có thể giúp giảm nguy cơ
phát triển tiểu đường
type 2. Theo một nghiên cứu năm 2011 của Đại học California Los Angeles (UCLA), uống cà phê đen có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa căn bệnh mạn tính này. Các nhà nghiên cứu đã xác định được mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và lượng globulin gắn với hormone giới tính, SHBG, trong máu. Những người có lượng SHBG thấp trong máu có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường type 2. Uống cà phê chứa caffein ảnh hưởng đến mức SHBG trong máu.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 360 người mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và 360 người không mắc bệnh tiểu đường để phân tích thói quen uống cà phê và mức độ SHBG. Những người uống ít nhất 4 tách cà phê mỗi ngày có mức SHBG cao hơn và ít có khả năng mắc bệnh tiểu đường hơn 56%.
Theo nghiên cứu của của South University School of Pharmacy (Mỹ) những người uống cà phê thường xuyên 3-4 tách mỗi ngày giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.
Kim Uyên (Theo Livestrong, Medical News Today)